Bus RAM là gì?
Trước khi tìm hiểu chi tiết về bus RAM và cách xem bus RAM, người dùng hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về thuật ngữ “Bus”. Theo giải nghĩa từ Wiki, Bus là hệ thống phụ cho phép kết nối và chuyển dữ liệu giữa các thành phần bên trong một máy tính, hoặc giữa 2 hay nhiều máy tính và thiết bị đi kèm khác như card đồ họa, bộ nhớ.
Ví dụ, kết nối CPU máy tính với bộ nhớ hoặc card đồ họa. Nhiệm vụ chính của Bus là lưu thông, truyền dữ liệu và tín hiệu nội bộ giữa các bộ phận khác nhau trong máy tính.
Từ những giải nghĩa về “Bus” người dùng cũng có thể hình dung phần nào về bus RAM. Hiểu một cách đơn giản, bus RAM chính là độ lớn của kênh truyền dẫn dữ liệu nội bộ bên trong RAM. Theo đó chỉ số bus RAM càng lớn thì lưu lượng dữ liệu truyền trong RAM được xử lý càng nhiều.
Từ chỉ số bus RAM, người dùng có thể tính được tốc độ đọc dữ liệu trên RAM trên mỗi giây theo công thức: Bandwidth = (Bus Speed x Bus Width)/8
Trong đó bao gồm:
- Bandwidth: Là băng thông bộ nhớ, tức là lượng dữ liệu mà RAM có thể đọc mỗi 1 giây (MB/s). Băng thông khi tính theo công thức trên là sẽ tốc độ tối đa theo lý thuyết và thực tế sẽ ít hơn (không bao giờ vượt qua lý thuyết).
- Bus Speed: Chính là BUS RAM cho biết tốc độ dữ liệu được xử lý mỗi giây.
- BUS Width: Là kích thước chiều rộng bộ nhớ. Với các loại RAM phổ biến hiện nay như DDR, DDR2, DDR3 hay DDR4 đều có BUS Width cố định là 64.
Ví dụ: Với RAM DDR4 Adata ECC 8GB sở hữu bus RAM 2133Mhz có nghĩa trong 1 giây sẽ vận chuyển được 17064MB (khoảng 16,5GB/s) dữ liệu. Nếu lắp 2 RAM song song thì dữ liệu vận chuyển được cung sẽ tăng gấp đôi nhưng bus RAM vẫn duy trì ở mức 2133MHz không thay đổi.
Cách kiểm tra Bus RAM máy tính đơn giản
Để kiểm tra bus ram máy tính laptop hay PC, mọi người có thể tham khảo 1 trong 2 cách sau:
Cách 1: Sử dụng phần mềm CPU-Z
Phần mềm CPU-Z miễn phí với nhiều tính năng đa dạng, được sử dụng rộng rãi, giúp người dùng kiểm tra nhanh chi tiết thông tin cấu hình máy tính như mainboard, chipset, bộ nhớ… Trong đó, người dùng cũng có thể kiểm tra bus RAM trên laptop và PC bằng chính phần mềm này như sau:
Bước 1: Trước tiên người dùng tiến hành tải và cài đặt phần mềm CPU-Z về máy tính tại đây. Sau khi tải xong bạn khởi động công cụ và tại giao diện chính sẽ thấy rất nhiều tab chứa thông tin chi tiết về máy tính bạn đang sử dụng.
Bước 2: Để kiểm tra Bus RAM, người dùng nhấn chọn tab Memory và xem thông tin tại phần DRAM Frequency nếu đang dùng SDRAM.
Với các loại RAM khác như DDRAM, DDRAM2 hay DDRAM3 thì bạn chỉ cần lấy thông số DRAM Frequency x 2 lên là được. Ngoài ra, người dùng còn có thể kiểm tra Bus CPU tại tab CPU trên chính phần mềm này.
Cách 2: Cách kiểm tra bus RAM trên Task Manager
Thao tác kiểm tra bus RAM tại mục Task Manager đơn giản như sau: Nhấn chuột phải vào Taskbar > chọn Task Manager > chọn tab Performance > chọn Memory và xem thông số chi tiết tại dòng Speed.
Chỉ với 2 cách trên đây, người dùng laptop hoặc máy tính PC đã có thể nhanh chóng xem được Bus Ram chính xác.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đây sẽ giúp ích được cho người dùng khi muốn xem chi tiết các thông tin phần cứng bằng công cụ CPU-Z hoặc tại mục Task Manager.