Các thông tin về cổng Jumper
Chúng ta cùng tìm hiểu cổng Jumper là gì, tại sao cổng này có trên ổ cứng HHD và tác dụng của nó như thế nào nhé:
Cổng Jumper là gì? Tại sao có trên ổ cứng?
Cổng Jumper xuất hiện trên ổ cứng nhằm mục đích cung cấp một phương thức đơn giản để cấu hình các chế độ hoạt động trên ổ cứng mà không cần đến phần mềm. Thực chất, cổng Jumper không dùng để cắm thêm bất kỳ sợi cáp nào, mà nó cho phép bạn kết nối các chân trong cổng với nhau để kích hoạt các chức năng đặc biệt đã được lập trình sẵn trong ổ cứng. Về bản chất, đây là một công tắc, chứ không phải là một cổng kết nối thông thường.
Lý do tại sao cổng Jumper có trên ổ cứng là vì: Trước kỷ nguyên của cổng SATA, các ổ cứng loại IDE sử dụng chuẩn PATA (Parallel ATA) phổ biến trong nhiều thiết bị lưu trữ từ ổ cứng, đầu đĩa quang, cho đến đầu đĩa mềm. Khi người dùng cần kết nối nhiều ổ cứng PATA với máy tính, họ phải xác định rõ ổ nào làm ổ master (ổ chính) và ổ nào làm ổ slave (ổ phụ). Việc này quan trọng vì hệ thống máy tính sẽ phải biết ổ nào cần được khởi động trước. Để thiết lập chế độ master hay slave cho các ổ cứng PATA thì cần đến cổng Jumper. Cụ thể, người dùng chỉ cần chập hai chân Jumper nhất định theo hướng dẫn của nhà sản xuất ổ cứng là được.
Tác dụng của cổng Jumper
Tác dụng của cổng Jumper trên các ổ cứng hiện đại có thể không còn quan trọng như ngày xưa, khi mà việc cài đặt ổ cứng master hoặc slave là bắt buộc để cắm nhiều ổ cứng vào máy tính. Với sự phát triển của công nghệ ổ cứng SATA hiện đại, việc cấu hình này không còn cần thiết và thực tế là nhiều ổ cứng SATA hiện nay không còn tích hợp cổng Jumper. Tuy nhiên, một số loại ổ cứng vẫn giữ lại cổng này để kích hoạt các tính năng đặc biệt khác.
Các tính năng cụ thể mà cổng Jumper kích hoạt phụ thuộc vào mẫu ổ cứng và nhà sản xuất. Quan trọng là người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu rõ các chức năng cụ thể của từng chân Jumper là gì, vì một số cách cấu hình có thể dẫn đến mất dữ liệu vĩnh viễn trên ổ cứng. Để tìm hướng dẫn sử dụng, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google bằng cách nhập từ khóa “jumper pin” cùng tên của ổ cứng mình đang sử dụng.
Để minh họa, bài viết sẽ lấy ví dụ về ổ cứng HDD 3.5 inch của Western Digital, loại ổ này thường có 8 chân Jumper và cách sử dụng cụ thể như sau:
- Nối chân số 1 và 2: Kích hoạt tính năng SSC (spread-spectrum clocking) giúp chống lại hiện tượng nhiễu điện từ.
- Nối chân số 5 và 6: Giới hạn tốc độ truyền dữ liệu ở mức 3Gbps hoặc 1,5 Gbps, tùy vào loại ổ.
- Nối chân số 7 và 8: Bật tính năng Advanced Format, hỗ trợ tốt hơn trên một số phiên bản cũ của Windows.
Lời kết
Cổng Jumper, mặc dù không còn được sử dụng rộng rãi như trước, vẫn giữ vai trò quan trọng đối với một số loại ổ cứng, đặc biệt là trong việc kích hoạt các chức năng đặc biệt. Tuy nhiên, khuyên các bạn không nên tự ý thay đổi hoặc cắm cổng Jumper nếu không hiểu rõ về các chức năng của Jumper là gì. Đặc biệt, hãy lưu ý rằng một số cấu hình Jumper có thể xóa sạch dữ liệu trên ổ cứng và không thể phục hồi. Đây là một rủi ro rất lớn nếu bạn không có kiến thức chuyên môn về cách thức hoạt động của nó. Luôn đọc hướng dẫn sử dụng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào liên quan đến cổng Jumper để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của bạn.