Lựa chọn chuột gaming nhất định phải biết những điều này!

Không có tính đa dụng như bàn phím cơ nhưng chuột gaming cũng được rất nhiều anh em chú ý tới cho các tác vụ chơi game. Những trận đấu súng căng thẳng, những pha call team combat hay snap bắn tỉa… đều phụ thuộc phần lớn vào chú chuột của anh em.

Chuột gaming cũng có rất nhiều loại, đa dạng về mẫu mã cũng như đối tượng hướng đến nên việc nắm được những thông số cơ bản là điều cần thiết nếu anh em muốn lựa chọn được sản phẩm ưng ý. Vậy chuột gaming là gì? Có những yếu tố nào quyết định đến giá thành, chất lượng chuột? Hãy để TNC Store giải đáp giúp anh em thông qua các thông số chuột gaming dưới đây nhé!

1. Cảm biến

Còn được gọi là mắt đọc, cảm biến (sensor) chính là linh hồn của một chiếc chuột gaming. Để hiểu về cảm biến, anh em cần biết cơ chế hoạt động của chuột như sau:

Hệ thống thu thập hình ảnh (IAS – image acquisition system) sẽ “chụp” lại hình ảnh bề mặt khi chúng ta di chuyển chuột với số lượng lên tới hàng nghìn hình ảnh trong một giây (frames-per-second).

Lượng hình ảnh này sau đó sẽ được xử lý qua vi xử lý kỹ thuật số (digital system processor) nhằm xác định 2 giá trị (delta) Δx/Δy (toạ độ giữa 2 điểm cũ và mới khi di chuyển chuột) thông qua hướng và cường độ của chuyển động. Tới đây, các bộ điều khiển MCU (microcontroller unit) sẽ chuyển lượng thông tin này tới máy tính của chúng ta thông qua tín hiệu USB hoặc PS/2.

Hiện nay có hai cảm biến chính là cảm biến quang học và cảm biến laser.

Cảm biến laser cho ánh sáng hội tụ quét rất mạnh nên quét được chi tiết sâu, tăng độ nhạy thực (DPI). Tuy nhiên, loại cảm biến này đang dần bị lép vế so với cảm biến quang học do cảm biến laser đọc quá “kỹ” những chi tiết ở phía dưới chuột nên chỉ hợp với một số pad chuột cứng, có bề mặt hoàn thiện tiệm cận sự hoàn hảo.

Cảm biến quang học là loại cảm biến được sử dụng rất phổ biến trên các chuột gaming hiện nay, sử dụng ánh sáng chiếu qua thấu kính để phát hiện chuyển động trên bề mặt. Với tính chất chiếu sáng diện rộng nên cảm biến quang học chỉ phản chiếu được lớp trên cùng của bề mặt di. Do đó các chuột gaming sử dụng cảm biến này phù hợp với mọi loại pad chuột.

Ngoài ra còn một loại cảm biến mà anh em nào 8x 9x đều biết. Đó chính là chuột “bi”, hay chuột cơ học. Loại chuột này cho độ chính xác khi thao tác rất cao, thường được dùng trong hội hoạ. Tuy nhiên, loại chuột này dần bị thay thế bởi các loại chuột dùng hai cảm biến nói trên bởi độ bền kém, độ chính xác giảm khi viên bi bị bẩn hoặc mòn.

Hiện nay hầu hết các loại chuột gaming và bàn phím cơ đều sử dụng giao tiếp USB thay vì PS/2 nên anh em game thủ hoàn toàn có thể yên tâm về cổng kết nối khi mua các sản phẩm này.

2. Độ nhạy (DPI – Dots per inch)

Dots per inch (DPI) là đơn vị đo lường để cho biết độ nhạy của chuột. DPI của chuột gaming càng cao thì con trỏ trên màn hình của bạn sẽ di chuyển càng xa khi bạn di chuyển. Chuột gaming có cài đặt DPI cao hơn sẽ phát hiện và phản ứng với các chuyển động nhỏ hơn.

Không phải chuột chơi game nào có DPI cao cũng tốt. Anh em chỉ cần mức DPI từ 1000 – 10000 là quá đủ để chơi game rồi. Nhiều chuột gaming cao cấp có nút chuyển đổi DPI để anh em có thể chuyển đổi nhanh chóng giữa các mức DPI cho phù hợp với các tình huống khác nhau.

>>> Tham khảo ngay các loại chuột gaming chất lượng tốt tại TNC Store!

3. FPS (Frame Per Second)

Được nhắc đến ở phần một của bài viết, FPS chính là số khung hình trên 1 giây, thể hiện khả năng xử lý dữ liệu mà cảm biến đã thu được. FPS càng cao đồng nghĩa với số lượng hình ảnh sẽ nhiều hơn, thao tác của người chơi sẽ chính xác hơn.

Đây là thông số cực kì quan trọng trong mỗi con chuột gaming, quyết định đến sự chính xác khi di chuyển chuột và góp phần không nhỏ dẫn tới chiến thắng.

4. LOD (Lift of Distance)

Đây là thông số chuột gaming mà anh em cần quan tâm đến khi chơi các tựa game FPS. LOD là độ cao được đo giữa chuột và bề mặt di chuyển mà khi người dùng nâng chuột lên, cảm biến không còn hoạt động, được tính bằng đơn vị mm.

Trong quá trình chơi game, đặc biệt là các game bắn súng, người chơi thường nhấc chuột lên, hạ chuột xuống rất nhiều lần. Bởi thế, thông số LOD càng thấp càng tốt. Điều này nhằm đảm bảo không có sự dao động bất thường nào xảy ra khi anh em chơi game.

5. Tần số phản hồi

Tần số phản hồi (hay Polling Rate hay Refresh Rate, tuỳ thuộc vào hãng sản xuất) cho biết tần số mà cảm biến lấy mẫu trong 1 giây. VD như một con chuột gaming có thông số Polling Rate là 1000Hz có nghĩa là chuột gửi thông tin về máy chủ 1000 lần trong 1 giây.

Tần số phản hồi càng cao thì chuột gaming càng di chuyển mượt mà hơn do máy chủ nhận được nhiều thông tin hơn.

6. Form cầm

Thông số chuột gaming này cho biết thiết kế của chuột phù hợp với người dùng thuận tay gì. Hầu hết các loại chuột trên thị trường hiện nay đều được thiết kế và tối ưu hóa đặc biệt cho việc sử dụng tay phải. Người dùng thuận tay trái thường sử dụng các chuột gaming có thiết kế đối xứng.

Ngoài ra, kích thước chuột cũng khá quan trọng. Tùy vào kích thước tay của anh em mà lựa chọn form cầm cho thích hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.